Tin Tức

Đã có tín hiệu phục hồi của ngành gỗ

 

2 quý đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tụt giảm 2 con số. Câu hỏi được đặt ra lúc này đó là liệu thị trường đã chạm đáy và hồi phục trở lại hay chưa?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,1 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,4 tỷ USD, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Gỗ là ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp lớn cho kim ngạch thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, xuất khẩu gỗ giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng từ 20 - 50%.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, nhu cầu của Hoa Kỳ giảm xuống do xây dựng nhà mới ở Hoa Kỳ chững lại. Còn ở châu Âu, lạm phát và xung đột Nga - Ukraine làm bất ổn, nhu cầu giảm hơn so với nhiều năm trước, tâm lý sợ rủi ro.

Đại điện một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tới thị trường Hoa Kỳ chia sẻ, trước đây, khách hàng thường đặt đơn cho cả năm (tức 1 năm 1 đơn hàng lớn), tuy nhiên năm nay họ chia nhỏ đơn hàng theo quý, 6 tháng. Đơn hàng nhỏ, theo quý thì sẽ hẹp hơn về quy mô, khó cho nhà sản xuất, doanh nghiệp lớn. Nhưng với các doanh nghiệp tư nhân, tính năng động tốt thì có thể thích ứng được.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, đa phần cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ phải đang cân đối lại về chi phí, cố gắng giữ đội ngũ lao động nòng cốt, giữ được lao động để khi có đơn hàng trở lại.

Trước cảnh thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp ngành gỗ đã chắt chiu từng cơ hội, tham gia các hội chợ của Việt Nam và thế giới với các gian hàng thường xuyên ở châu Âu, Hoa Kỳ và cả thị trường nội địa để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm dù chỉ vài khách hàng lúc này cũng là điều hết sức đáng quý.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu thị trường đã chạm đáy và đang dần phục hồi, đang đà lên? Theo ông Huỳnh Quang Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, dự báo quý III này, tình hình sẽ bình thường trở lại, nhưng để đơn hàng nhiều như năm 2022 sẽ khó. Nỗ lực đi hội chợ trong và ngoài nước cùng với kinh nghiệm quảng bá thương hiệu, ông Huỳnh Quang Thanh cũng kỳ vọng sẽ có thêm đơn hàng, doanh số năm nay sẽ bằng năm ngoái. “Những doanh nghiệp nào có thị trường rộng, và nhất là đi vào thị trường ngách sẽ tồn tại vững hơn”, ông Huỳnh Quang Thanh chia sẻ.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lý Vĩnh Hùng - Giám đốc Công ty Gỗ nội thất Lyprodan - chia sẻ, do doanh nghiệp tập trung sản xuất sản phẩm tầm trung và cao cấp, khi kinh tế bị khủng hoảng thì hai loại hàng này chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Tuy nhiên, thị trường đã bắt đáy và theo quy luật khi chạm đáy rồi sẽ từ từ lên. Do đó, dự báo năm 2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi, vấn đề là nhanh hay chậm.

Cũng theo ông Lý Vĩnh Hùng, đối với hàng ngoại thất, khách hàng thường đặt theo vụ, thường là trước tháng 6 họ xuống đơn hàng để xuất hàng từ tháng 9 cho đến tháng 4,5 năm sau. Hiện, Công ty đã nhận được một số đơn hàng cho vụ mới, cũng đã có khách hỏi báo giá, mẫu đã có.

“Chúng tôi đang tiếp xúc với một số khách và tình hình đơn hàng 2024 khá khả thi, đó là cái mừng cho ngành gỗ. Có thể đến năm 2024 xuất khẩu gỗ sẽ phục hồi trở lại”, ông Lý Vĩnh Hùng chia sẻ.

Bà Lê Hải Liễu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty gỗ Đức Thành - nhìn nhận "vẫn chưa có nhiều tia sáng", khó khăn vẫn còn đó, với chiến tranh Nga - Ukraine, lạm phát cao kéo dài và dư chấn của động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình hình vẫn chưa lạc quan, khách hàng vẫn đang rất dè dặt, họ đặt với thời gian giao hàng rất xa. Gần đây khách Hoa Kỳ, EU không đặt cọc dẫn đến rủi ro cho các doanh nghiệp như: hàng xuất đi nhưng tiền chưa về và nếu nhà nhập khẩu phá sản, lô hàng sẽ bị mất.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho rằng bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ có điểm dừng và việc của Gỗ Đức Thành là chuẩn bị sẵn sàng về nguyên liệu, con người, mặt bằng, máy móc để “bắt sóng” phục hồi của thị trường. "Sau khủng hoảng, các doanh nghiệp rất "khát" hàng hóa vì trong lúc khủng hoảng, họ không dám mua. Vậy khi khủng hoảng qua đi, ai sẵn sàng sẽ thắng lớn", bà Lê Hải Liễu cho biết.

Đi vào ngách sản phẩm nhỏ trong nhà, gần như thiết yếu với cuộc sống; đa dạng sản phẩm và khách hàng, luôn duy trì tỷ lệ nợ vay thấp; không từ chối bất cứ đơn hàng nào, không từ chối bất cứ yêu cầu nào của khách, chấp nhận cho khách giảm giá, giãn thời gian giao hàng… cũng là cách mà Đức Thành vượt qua giai đoạn của cuộc khủng hoảng và chờ đợi thời cơ để phục hồi và tăng trưởng.

Gỗ Việt (Số 156 - Tháng 6.2023)

 


Các tin khác